Sau khi Chương trình "Trở về từ ký ức" của VTV vạch trần về khả năng của một số nhà ngoại cảm, PV có cuộc trò chuyện với GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.
Thưa ông, Chương trình "Trở về từ ký ức" của VTV đã vạch trần về khả năng thực sự của một số nhàngoại cảm. Theo đó, hầu hết hài cốt liệt sĩ do “nhà ngoại cảm” tuyên bố tìm được đều là xương động vật, đất đá. Kết quả giám định của Viện Pháp y Quân đội cho thấy, tỷ lệ chính xác "gần như bằng 0". Là Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, ông nghĩ sao về sự việc này?
Phóng sự trong chương trình "Trở về từ ký ức" số 22, ngày 12/10 của VTV phản ánh, một vụ giám định phát hiện xương động vật được coi là xương liệt sĩ đau xót nhất diễn ra vào tháng 9 năm 2009. Liệt sĩ Phùng Chí Kiên, một bậc tiền bối, Ủy viên trung ương đảng năm 1935, người đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm tướng, đồng chí hy sinh năm 1941, bị Pháp tra tấn và chặt đầu treo để thị uy. Năm 1990, phần thân thể của tướng Kiên đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ, còn phần thủ cấp, Bộ Quốc phòng và gia đình đã nhờ đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chỉ giúp. Sau giám định, thứ mà bà Hằng nói là hài cốt của liệt sĩ Phùng Chí Kiên là mảnh sành vụn và một chiếc răng động vật. |
Chúng tôi lên án những hành vi sai trái và bất chính thu lợi không chính đáng. Tuy nhiên, việc tìm mộ có đúng có sai, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng kết luận về một nhà ngoại cảm cần phải cẩn trọng. Nhất là nhà ngoại cảm đã tham gia làm việc này nhiều năm có khi 15 năm thì càng phải thận trọng hơn. Ví dụ như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
Phóng sự của VTV cũng làm rõ một vụ hài cốt do nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tìm được là mảnh sành vụn và một chiếc răng động vật. Được biết, bà Phan Thị Bích Hằng là thành viên của Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, là lãnh đạo Viện, ông bình luận gì?
Tôi chỉ nhắc lại rằng, đánh giá về một con người làm việc như là nhà ngoại cảm Bích Hằng, nên xem xét chính xác bà đã tìm mộ bao nhiêu hài cốt đúng, bao nhiêu sai, bao nhiêu đã thử AND,… rồi mới kết luận.
Bà Bích Hằng đã tìm mộ chính xác cho nhiều người. Ví dụ bà tìm đúng mộ liệt sỹ cho gia đình nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương. Đó là mộ của người em gái giáo sư bị hy sinh trong kháng chiến. GS Trần Phương cũng đã viết bài viết về bà Hằng. Hay một ví dụ khác, gia đình tướng Trần Độ cũng được bà Hằng tìm mộ người thân chính xác...
Bà Phan Thị Bích Hằng là thành viên của Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người chúng tôi. Viện sẽ xem xét lại một cách hệ thống và đánh giá nghiêm túc về khả năng của bà Hằng.
Chúng tôi sẽ không để hiện tượng vụ lợi, lừa đảo xảy ra bởi những người trong cơ quan tôi.
GS Phạm Minh Hạc, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người
Trước những sự việc khả năng của một số nhà ngoại cảm vừa được phanh phui, ông nghĩ sao về việc tìm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm?
Có thể tìm hài cốt liệt sỹ bằng nhiều cách, tùy điều kiện gia đình mà người ta tìm. Các nhà ngoại cảm tìm được đến đâu, người ta tin đến đâu thì tùy từng trường hợp cụ thể, tôi không thể nói một cách chung chung được.
Khi đánh giá các nhà ngoại cảm, phải xem người đó làm bao nhiêu trường hợp, bao nhiêu đúng, bao nhiêu sai, bao nhiêu thử ADN... Chúng tôi cố gắng tìm mộ bằng ngoại cảm nhưng cũng phải thử ADN thì mới kết luận chính xác.
Thưa giáo sư, Viện của ông đã có thống kê về độ chính xác do những người trong Viện tham gia tìm hài cốt không?
Chúng tôi chưa thống kê được vì Viện mới ra đời chưa đầy một năm, từ cuối năm 2012. Trong điều kiện có thể chúng tôi sẽ cố gắng làm đến một chừng mực nào đó. Nếu đi tìm 100 vụ mà sai 5 đến 10 vụ cũng rất tốt vì ở Việt Nam số lượng liệt sĩ còn rất nhiều.
Viện chúng tôi đóng góp được đến đâu phải xem xét, nhưng có đúng có sai không thể nào quả quyết ngay là đúng hết. Có tài liệu đánh giá đúng 70%, nhưng có người nói đúng 30%... Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định chung, chủ quan chưa có thống kê chính thức.
Sự việc được phanh phui, nhiều người đã và đang tìm hài cốt người thân bằng “ngoại cảm” hết sức hoang mang, ông có lời khuyên gì với họ?
Trong từng trường hợp cụ thể, phải đánh giá một cách khách quan khoa học mới biết được. Tuy nhiên, không nên thấy thế này mà đánh giá sai lệch và vội kết luận.
Cuối cùng tôi muốn nói rằng, Viện sẽ có đánh giá chính xác lại khả năng của bà Hằng và không nên suy xét kết luận khi mà chỉ qua một vụ việc.
Xin trân trọng cảm ơn ông