Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

NẾU CÓ THỂ, XIN NGƯỜI HÃY Ở LẠI NƠI ĐAU THƯƠNG ẤY!


        Trời đang mưa. Ngồi chat facebook  với một cô bạn cũ, cô ấy vừa chia tay một cuộc tình và người mang đau thương là cô bạn của tôi. Sau cuộc tình đầy nước mắt cô ấy quyết định đi đến một thành phố khác, tìm một công việc mới, hy vọng một cuộc sống mới. Cô ấy có nói một câu “ xa nơi giông bão..đến nơi khác có nắng ấm hơn không..”. Nói với cô ấy “có thể có mà cũng có thể không”. Trả lời như thế rồi tự nhiên lại suy nghĩ một chút. Thực sự thì khi bị tổn thương sâu sắc thì ra đi tìm một nơi để xoa dịu tâm hồn là tốt hay dũng cảm ở lại đối mặt với quá khứ mới là tốt?

        Ra đi, liệu có quên được không?

        Khi trái tim tổn thương, có nhiều người chọn ra đi, đi thật xa. Ra đi để hy vọng rằng không gian mới, con người mới, không khí mới sẽ làm khỏa lấp những tháng ngày buồn đau xưa cũ, như cách mà cô bạn của tôi đã làm. Nhưng tôi vẫn thường nghĩ, cái mà cô bạn tôi cũng như mọi người cần có lẽ là một con người mới, một tâm hồn mới thì tốt hơn. Tâm lí chung của con người là đi xa nơi làm họ tổn thương, quay lưng chối bỏ quá khứ để tìm quên. Nhưng rồi trong bao nhiêu người đã ra đi ấy có bao nhiêu con người là thực sự “ra đi”, thực sự “vứt bỏ” được quá khứ cần chối bỏ phía sau. Hay chỉ là bước chân mang thể xác ra đi mà tâm mãi còn ở lại. Thực sự chối bỏ quá khứ sao? Có bao nhiêu người làm được?. Con người khi sinh ra cho đến lúc chết đi ai cũng sẽ phải mang theo hỷ, nộ, ái, ố như một phần sinh mệnh của mình. Vứt bỏ một phần sinh mệnh liệu ta có còn sống nổi không?.

       Con người ai cũng có một nơi lưu giữ tài sản tâm hồn quý giá vô cùng, đó là kí ức. Kí ức, nó có sức mạnh hơn bất cứ một chiếc USB, một chiếc thẻ nhớ, một thiết bị lưu trữ hiện đại chức năng bậc nhất nào. Những kỉ niệm ấu thơ, những người thân trong gia đình, những người bạn thân thuộc, những khoảnh khắc khó quên,…tất cả chúng đều được chúng ta lưu giữ trong từng ngăn kí ức. Những đau thương cũng được lưu giữ ở chính nơi này. Mà con người ta ra đi, bỏ lại phía sau tất cả mọi thứ nhưng lại mang theo bên mình thứ cần phải bỏ lại nhất_kí ức. Chúng ta sẽ không thể quên, không thể chối bỏ chúng cho đến khi nào loài người tìm ra một loại thuốc giúp người ta loại bỏ những phần kí ức muốn quên. Vậy trong khi chờ đến ngày loại thuốc kia ra mắt, những người mang đau thương ra đi, rồi có chắc sẽ vứt bỏ được những ưu thương?

         Càng chối bỏ, ta lại càng nhớ. Con người ta chỉ thực sự lãng quên những đớn đau khi bản thân thôi chối bỏ nó. Khi bản thân một người bình thản nhắc tới nỗi đau trong lòng như kể một câu chuyện đời thường, nhẹ nhàng như người trong câu chuyện chỉ là một người bạn nào đó tình cờ quen biết thì ta biết người ấy đã thôi đau. Vì vậy hãy tập cách chấp nhận phận kí ức cần lãng quên kia như một phần cuộc đời, đừng trốn tránh. Còn trốn tránh là còn sợ hãi, còn ám ảnh, còn nhớ. Đừng để nỗi đau trong chiếu USB mang tên kí ức, hãy rửa nó ra thành những tấm ảnh và mang nó theo bên người từng ngày. Những tấm ảnh theo thời gian rồi sẽ nhạt màu. Những tấm ảnh được xem nhiều lại càng nhanh phai màu hơn những tấm ảnh được giữ gìn, được cất kĩ. Vì vậy nếu cứ né tránh đau thương con người ta sẽ vô tình tạo ra một cách gìn giữ chúng, hãy cứ nhìn ngắm nỗi đau cho đến ngày chúng mờ phai.

         Nếu có thể, xin hãy ở lại nơi đã làm mình đau.

          Ở lại để nhìn mình quằn quại từng ngày trong đau đớn khi đi qua những nơi chốn quen thuộc, thổn thức từng đêm khi những kỉ niệm tràn về. Có thể nhiều người cho đó là tàn nhẫn với chính bản thân mình, nhưng đó cũng là một cách làm cho mình chai sạn với đau thương kia. Thà đau đến lịm người đi rồi không bao giờ đau nữa còn hơn cứ để tim mình nhói hoài không thôi. Con người ta hay nhớ một kỉ niệm nào đó khi đi qua những nơi chốn quen thuộc. Nếu đi xa, đến một nơi khác, mỗi khi đến những nơi giống trong kí ức nỗi đau kia ngay lập tức sẽ tràn lên, vậy chi bằng cứ ở lại nơi này, nhìn nơi quen thuộc ấy hoài cho quen đi. Rồi một lúc nào đó đau đớn sẽ thôi khi mà nơi từng là kỉ niệm khắc cốt ghi tâm cũng chỉ còn bình thường như nhiều nơi khác ta đã đi qua.     

         Ở lại để khi mềm yếu nhất trong cơn đau ta có nơi để tựa. Có chắc rằng khi ở nơi mới ta sẽ thôi đau?. Chuyện gì cũng cần thời gian để tiếp nhận, để quen dần, đau thương cũng vậy, cũng cần thời gian để quên. Vậy trong thời-gian-để-quên đó, những khi chợt thấy đau thắt lòng, cảm giác trái tim vỡ tan thành nhiều mảnh và lồng ngực bị bóp nghẹt đến không thở nổi có ai sẽ ở bên ta nơi xa lạ đó, ai sẽ thấu hiểu cho nỗi đau ta trải qua. Khi xung quanh toàn là những người xa lạ, ta sẽ không thể tìm thấy một người cho dù chỉ là để ngồi cùng cho bớt cô quạnh. Nhưng nếu là nơi ta đã bỏ ra đi, chắc chắn sẽ có người bên ta, sẽ có người tìm ta. Vì nơi đó có những người thân quen với ta, những người sẵn sàng dìu ta đi qua nỗi đau. Xin đừng chối bỏ.
Loadcell  | loadcell QS-A | loadcell ZSFY | loadcell ZEMIC digital
          Ở lại để thấy mình đứng lên sau những vấp ngã, đổ vỡ, đứng lên ngay trên chính nơi mình đã từng nằm xuống một cách tiều tụy. Ở lại để thấy mình mạnh mẽ mà vượt qua. Người ta sẽ không thể tìm thấy chính mình khi không đứng trên mảnh đất từng làm mình đau, không thể có động lực khi mà xung quanh không có lực tác động. Chỉ có nơi con người ta muốn quên mới có thể thắp lên ngọn lửa sống trong mỗi người. Vì nơi đó là nơi đã quá quen thuộc, nơi đó có bạn bè, có đồng nghiệp, có gia đình, những mối quan hệ, nơi mà câu chuyện đau thương của bản thân cũng đã quen thuộc với mọi người xung quanh. Khi đó ta sẽ muốn cho xung quanh thấy mình không phải là kẻ vô dụng, mình có thể vượt qua. Những động lực đó sẽ giúp ta đứng lên và đi nhanh qua nỗi đau.

           Vì vậy, nếu có thể, xin người hãy ở lại nơi đau thương ấy, rồi một ngày nơi ấy sẽ khiến người cười vui mà quên đi nước mắt đã từng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét